Có nhiều người tìm mua được cây cảnh ưa thích, cây có dáng đẹp, cây ăn trái trong vườn, bên lề đường, nơi đất cát… không thể đem theo bầu đất nặng nề, cồng kềnh, hoặc đất bị rã ra trong khi bứng. Như vậy, làm thế nào bứng cây không có đất đem về trồng tại vườn nhà cây vẫn sống được? Nếu bứng cây không đất, cây cũng dễ chết, nhưng nếu biết cách thì sẽ có nhiều cái lợi:
- Số lượng cây nhiều hơn – vận chuyển gọn hơn
- Ít nhân công hơn – ít mất thời gian hơn – ít tốn kém hơn…
Tôi xin ghi lại một số kinh nghiệm của các nghệ nhân thường bứng cây không đất về trồng vẫn đạt tỷ lệ sống rất cao.
1/ hướng cây mọc
Trước khi bứng cây phải để ý hướng cây mọc! Mặt nào, nhánh nào mọc hướng Đông thì về đặt theo hướng Đông, mé nào hướng Tây thì về đặt theo hướng Tây. Như vậy, sẽ không làm xáo trộn từ trường hiện có trong thân cây. Nếu nhiều cây, cần đánh dấu một hướng (Đông hoặc Tây) để dễ nhận biết trước khi trồng tại vườn nhà. Nhiều người không để ý đến điều này, do đó, dù chăm sóc rất kỹ mà cây vẫn chết không biết tại sao.
2/ Cắt đọt non
Trước khi bứng cây, cần cắt hết đọt non, lá non. Cắt bỏ qua khỏi cành bánh tẻ (cành nửa già, nửa non). Rồi tỉa bớt lá. Nếu có thể, cắt tỉa tạo dáng sơ bộ. Cách này giúp cây bớt thoát nước trong thân, không mất nước đột ngột và vận chuyển cũng gọn nhẹ hơn.
3/ Cách cắt rễ
Khi bứng cây phải định hình chậu hoặc nơi trồng để chừa rễ cho phù hợp. Nên chừa rể dài hơn đường kính của chậu chút ít. Cắt đầu rể thật ngọt, không để bầm dập, trầy sướt. Trong quá trình vận chuyển, nếu bị trầy, dập thì trước khi vô chậu hoặc xuống đất phải cắt lại, rồi thoa thuốc kích thích ra rể. Nếu có thể, cần giữ những rể nhỏ li ti, lọai rể này mau hút nước, sẽ giúp cây cân bằng nước trong thân nhanh hơn.
Bôi keo lên phần cắt rễ và cành để nhanh liền sẹo, chống chảy nhựa. nhớ bôi keo kín phần vỏ cây, vỏ rễ bị cắt.
4/ Đắp mô đất
Nếu đặt vô chậu liền thì chậu phải thoát nước cho tốt. Hay nhất là đặt cây lên mặt đất, rồi đắp mô đất vừa hết phẩn rể (hoặc lên giồng đất có rãnh thoát nước như các líp rau cải). Không nên vội vàng để rể lộ thiên. Nhớ lấy lá khô, cỏ khô, rơm rạ, lục bình… che xung quanh gốc một thời gian. Đắp mô đất như vậy, cây thoát nước tốt không bị úng nên rất dễ sống.
5/ Nước vừa phải
Rất nhiều người, khi bứng cây về trồng, thường tưới rất nhiều nước! Làm cây bị dư nước mà chết. Nước tưới phải vừa đủ, không quá ướt, không quá khô. Đối với những cây có thân mọng nước như xương rồng, sứ… thì không cần phải tưới trong vòng vài ba ngày đầu.
6/ Nắng đầy đủ
Cây mới bứng về trồng, tránh nắng chiếu thẳng hoàn toàn, che chắn khoảng 50% sáng là vừa. Không nên che quá nhiều, cây thiếu ánh sáng cũng không tốt. Cần nhớ là tránh đặt dưới tán cây lớn quá rợp, phải chủ động về ánh sáng. Khoảng 1-2 tuần, gỡ dần đồ che chắn để cây có ánh sáng đầy đủ, phù hợp với từng loại cây.
7/ Nơi đặt cây
Trên mặt đất, có những nơi đặt cây thường hay chết, nhất là đối với những cây lớn. Nên đánh dấu những nơi này và không trồng cây nơi đó. Nếu chỗ đặt cây hiện tại trong khoảng 3-4 tuần không ra đọt non, nên dời cách đó 1.5m thì cây sẽ có khả năng sống hơn.
8/ Giữ cây chắc
Cần đóng trụ giữ cây mới trồng được cố định, không bị gió, trẻ nhỏ, gia súc… làm lung lay, để tránh đầu rể mới nhú bị gãy, dập, không phát triển được.
9/ Khoan dùng phân
Cây mới bứng, rể mới cắt, gốc bị trầy sướt, dùng phân bón dễ làm thối gốc rễ. Khi cây chưa ra lá hoặc còn lá non. Khoan dùng bất cứ lạoi phân bón vô cơ nào (trừ thuốc kích thích ra rể).
10/ Trồng ngày âm
Theo âm lịch, có những ngày trồng cây được và những ngày trồng cây không được. Nhiều người chưa biết vấn để này nên trồng cây bị chết mà không giải thích được. Những ngày có Sửu, Ngọ và có Kỷ, Quý thì trồng cây dễ sống và trồng vào buổi chiều mát thì tốt hơn.
Cuối cùng là đừng sợ cây chết ! Về mặt tâm lý, bứng cây không có đất chủ nhân sợ cây dễ chết. Chăm sóc mọi cây như nhau. Chú trọng chăm sóc cây nào quá mức, cây đó sẽ dễ chết nhất.